Hơn 25 thế kỷ trôi qua, với bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, đạo Phật vẫn mãi mãi là ánh sáng, là tiếng nói trong trẻo, tươi mát, trẻ trung, khả ái của tình thương và độ lượng. Qua mọi xứ sở và thời đại, đạo Phật đã khéo léo dùng mọi phương tiện để có thể tùy nghi thích ứng với từng nền văn hóa khác nhau trong từng dân tộc. Càng tiến hóa bao nhiêu, nhân loại càng nhận ra được giá trị long lanh mầu nhiệm trong từng lời dạy của Đức Phật. Bởi lẽ, giáo lý của đạo Phật đã mang đến cho con người niềm vui và hạnh phúc. Nó không vì mục đích giải thoát tự thân, mà vì an vui hạnh phúc cho tha nhân và mọi loài.
Hơn bao giờ hết, giáo lý của đạo Phật đã được dân tộc Việt nam tiếp nhận một cách dễ dàng bởi tính thiết thực và gần gũi trong đời sống sinh hoạt thường nhật. Tư tưởng triết lý của đạo Phật đã thấm nhuần tinh thần dân tộc. Một trong những giáo lý rất gần gũi với người Việt nam chính là giáo lý nhân quả. Một giáo lý đã ăn sâu vào hệ tư tưởng của mọi tầng lớp, mọi người dân Việt nam. Nó không chỉ ảnh hưởng trên lý thuyết thông qua những bài giảng hay qua kinh sách, mà đã được thể hiện rõ nét qua cách sống, qua ý thức thực hành một cách tự nhiên, trở thành một bản năng vốn có của con người.
Giáo lý nhân quả nghiệp báo cũng đã ảnh hưởng một cách sâu sắc trong đời sống sinh hoạt và những phong tục, tập quán của người dân Việt Nam. Nó đã được xã hội hóa thành một nếp sống tín ngưỡng hết sức sáng tỏ đối với dân tộc. Từ đó, nó hướng dẫn con người có những hành động, hành vi cư xử đúng đắn trong xã hội. Nói khác hơn, xã hội hóa chính là nơi dạy cho mỗi cá nhân học cách làm người. Trong đó, xã hội hóa được thiết lập trong một môi trường mà con người đã được hấp thụ những tinh hoa trong cuộc sống.
Với phương châm ‘tùy duyên nhi bất biến’ hay ‘bất biến nhi tùy duyên’, Phật Giáo đã khéo vận dụng như là một phương tiện hữu hiệu để đưa giáo lý của đạo Phật đến với cuộc đời. Vì vậy, Phật giáo đến với đất nước nào liền có hình thái thích nghi với nền văn hóa, phong tục, tập quán của quốc gia đó. ‘Nếu chúng ta phàn nàn Phật giáo có nhiều hình thức phức tạp khó thống nhất, thì chúng ta phải phục Phật giáo đã khéo tùy dân tộc tính mà biến thành đạo của dân tộc từng quốc gia’.[1] Do vậy, trải qua một khoảng thời gian hơn hai nghìn năm lịch sử, đạo Phật du nhập vào nền văn hóa Việt Nam, những tư tưởng triết lý của đạo Phật, mà điển hình là tư tưởng triết lý nhân quả đã có những ảnh hưởng sâu sắc to lớn trong đời sống sinh hoạt của xã hội Việt Nam cũng là điều tất yếu.
Nói đến giáo lý nhân quả là nói đến một quy luật tất yếu của nhân sanh và vũ trụ. Nó không chỉ dành riêng cho những người tu sĩ hay cho những tín đồ Phật giáo mà còn dành chung cho toàn xã hội. Điều này đã khiến cho Phật giáo có được những ảnh hưởng sâu sắc đối với gia đình gia giáo cổ truyền của người Việt trong xã hội trước đây. Không biết từ bao giờ, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã biết đến tính chất nhân quả như một nếp sống đạo đức được thiết lập từ bên trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Phải chăng cha ông ta đã tiếp nhận những điều hay lẽ phải trong tinh thần cầu tiến để phục vụ cho cuộc sống của nhân dân. Vả lại, giáo lý nhân quả lại rất phù hợp với bản chất con người Việt Nam, một dân tộc vốn hiền hòa dễ mến. Bản chất ấy được kết tinh trong môi trường, hoàn cảnh và vị trí địa lý mà có được. Đất nước Việt Nam, một trong những đất nước nằm trong nền văn hóa chung của khu vực Đông Nam Á, đó là nền văn hóa lúa nước. Do vậy, cuộc sống sinh hoạt xã hội Việt Nam lúc bấy giờ dường như gắn liền với thiên nhiên, gắn liền với những lễ hội sinh hoạt cộng đồng. Con người luôn đặt niềm tin và hy vọng vào sự chở che và giúp đỡ của một đấng thần linh nào đó.
Trên quan niệm đó, trong xã hội đã bắt đầu có sự xuất hiện của những khái niệm về những thần linh như: thần mưa, thần gió, thần sông, thần biển, thiên lôi, hà bá… Nên một khi nói điều gì, làm việc gì con người hết sức dè dặt và cẩn trọng trước sự uy hiếp vô hình của các đấng thần linh. Nhờ vậy, con người đã biết chọn lựa những cái hay cái đẹp xử sự lẫn nhau, lấy cái thiện làm chất liệu cho cuộc sống. Bấy giờ, con người tin rằng một khi gây nên điều gì làm phật lòng đến các đấng thần linh thì con người sẽ bị trừng phạt bằng những hình thức như: hạn hán, mất mùa, lũ lụt, bão tố, dịch bệnh…
Đặc biệt trong sinh hoạt xã hội xưa, con người rất coi trọng và tôn kính đối với những người đã khuất. Đây là nhân tố quan trọng, là tiền đề cho sự ra đời của tục lệ thờ cúng ông bà sau này. Dựa trên những sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Việt xưa, ta dễ dàng nhận thấy sự gắn bó mật thiết giữa triết lý nhân quả của đạo Phật với đời sống xã hội thông qua những giá trị đạo đức chuẩn mực. Bởi triết lý nhân quả của đạo Phật rất phù hợp với nếp sống, với quan niệm nhân sanh và vũ trụ xưa nay của dân tộc. Trong quảng đại quần chúng thì dấu ấn của thuyết nhân quả được thể hiện rõ nét qua những bài học giáo dục đạo đức làm người, đó là phải ăn hiền ở lành và làm lành tránh ác. Bài học giá trị đạo đức ấy đã được phản ánh tích cực trong đời sống sinh hoạt từ gia đình cho đến xã hội. Đúc kết từ những kinh nghiệm sống thiết thực, cha ông ta đã nhắn gởi cho thế hệ con cháu những bài học luân lý mang tính giáo dục rất lớn. Ở đây, ý nghĩa và giá trị của chữ ‘đức’ dưới quan niệm triết lý nhân quả đã được người dân Việt nam đón nhận một cách tích cực và sâu sắc. Trong sinh hoạt của những gia đình gia giáo xưa, chữ ‘đức’ đựơc xem như là một biểu tượng thiêng liêng cao quý, là mục đích hướng đến cho con cháu mai sau.
Nếu có dịp ghé thăm những ngôi nhà cổ ở vùng Bắc Trung bộ, ta sẽ tìm thấy dấu tích về quan niệm chữ ‘đức’ trong những gia đình truyền thống lễ giáo vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Đặt chân vào đây, ta sẽ thấy một bức đại tự hay còn gọi là bức hoành phi được treo ở một không gian rất trang trọng và thiêng liêng với dòng chữ được viết bằng chữ Hán thật đẹp ‘Đức Lưu Quang’. Dòng chữ ấy như một lời nhắc nhỡ, đồng thời còn được xem như một tấm gương sáng có công năng soi sáng cho chính bản thân mình trước khi suy nghĩ hay khởi sự cho một công việc gì. Từ xa xưa, ông cha ta đã ý thức được giá trị cao quý của con người không phải ở địa vị và danh vọng mà chỉ có nơi những con người đức hạnh. Thời gian qua đi mọi sự vật đều đổi thay, địa vị, tiền tài, danh vọng kia rồi cũng tan biến, duy chỉ có danh thơm tiếng tốt của những con người đức hạnh sẽ còn lưu mãi với thời gian. Thật như trong Kinh đức Phật đã dạy:
“Hương của các loài hoa
Không thể bay ngược gió
Hương người đức hạnh đó
Ngược gió bay muôn phương.” (Pháp cú 54)
Một lần nữa chúng ta lại dễ dàng nhận thấy triết lý nhân qủa của đạo Phật được thể hiện rõ nét trong tư duy và quan niệm sống của người dân Việt xưa. Một quan niệm về ý thức tích đức cho thế con cháu mai sau: ‘từ nhận thức với những mức độ khác nhau và từ phép ứng dụng thiết thực thuyết nhân quả vào cuộc sống, đạo đức làm người được tôn vinh, vượt lên trên tất cả những giá trị vật chất khác. Tất nhiên, đạo đức làm người giữa bao phong trần biến đổi không phải chỉ có bấy nhiêu, nhưng một bộ phận cấu thành có nguồn gốc từ triết lý nhân quả là điều không thể phủ nhận’.[2]
Truyền thống tôn vinh đạo đức, đó còn là quan niệm ‘tích đức’ vốn mang tính chất dân tộc tính rất cao. Nó thể hiện ý nghĩa giáo dục đạo đức làm người không chỉ trong hiện tại mà còn lưu lại ở mai sau. Hai chữ ‘tích đức’ nghe qua sao thật bình dị đời thường nhưng ẩn chứa bên trong một giá trị nhân văn rất lớn. Quan niệm ấy vốn được hun đúc sâu xa từ tính chất nhân quả của Phật giáo và đã ăn sâu vào lòng dân tộc Việt nam. ‘Tích đức’ bao hàm ý nghĩa khuyên răn con người sống ở đời phải biết lấy nhân đức làm trọng, tránh xa các điều ác, nổ lực làm các việc lành với một tâm nguyện cao đẹp là để lại cái ‘đức’ cho con cháu mai sau. Như ông cha ta thường nói:
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Tu nhân tích ‘đức’ để dành cho con.
Hay:
Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để ‘đức’ cho con.
Mừng cây rồi lại mừng cành,
Cây ‘đức’ lắm chồi, người ‘đức’ lắm con.
Ba vuông sánh với bảy tròn,
Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu. [3]
Để lại cho con cháu cái danh thơm tiếng tốt là một quá trình ông cha ta đã sống tốt sống đẹp, tu nhân tích đức mà có được. Truyền thống ấy được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Không những thế, trong quan hệ qua lại của xóm giềng, trong sinh hoạt của cộng đồng xã hội, người dân Việt nam luôn luôn khuyên răn nhắc nhỡ lẫn nhau sống sao cho tốt đẹp không chỉ cho hôm nay mà còn lưu lại tiếng tốt cho mai sau. Quan niệm và ý thức về hành động ‘tích đức’ luôn được người Việt nam coi trọng và lưu truyền cho nhau qua câu nói thật nhẹ nhàng mà sâu lắng qua câu nói: ‘Ăn ở có đức mặc sức mà ăn’. Quan niệm ấy được xem như một lẽ sống tự nhiên không thể thiếu trong mỗi gia đình người Việt nam. Truyền thống ấy dần dần đã trở thành một nếp sống tự nhiên của dân tộc Việt nam. Bởi lẽ,’tích đức cho thế hệ sau là để lại gia sản thiêng liêng và vô giá nhất. Từ nhận thức với những mức độ khác nhau và từ phép ứng dụng thiết thực thuyết nhân quả vào cuộc sống, đạo đức làm người được tôn vinh, vượt lên trên tất cả những giá trị vật chất khác’. [4]
Qua những lối sống, tư duy và hành động của người Việt xưa cũng đủ để cho ta thấy đước mức độ ảnh hưởng to lớn và sâu sắc của triết lý nhân quả trong đạo Phật đối với xã hội như thế nào. Ngày nay thì sao? Liệu rằng triết lý nhân quả có còn tác động và mang giá trị cần thiết cho xã hội ngày nay chăng?
Ngày nay, khi xã hội phát triển đến một mức độ tột cùng, mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều được giải quyết dưới lăng kính khoa học. Cuộc sống con người đang bị cuốn hút bởi những dòng thác vật chất, bởi sự bùng nổ của những khám phá và phát minh trong nghành khoa học hiện đại. Con người đang dần lệ thuộc và tỏ ra tự mãn trước những thành tựu mà họ đã và đang đạt được. Trong bối cảnh ấy, đã có quan điểm cho rằng con người có thể cải tạo thiên nhiên, và buộc thiên nhiên quay lại phục vụ cho những nhu cầu của con người.
Trên phương diện vật chất, ta không phủ nhận những thành tựu khoa học đạt được đã mang lại cho con người một đời sống đầy đủ và tiện ích hơn. Nhưng trên phương diện luân lý đạo đức của xã hội, tính nhân quả vẫn mãi là một quy tắc chuẩn mực mà con người không thể trốn chạy hay vượt qua. Dù con người có thành công đến đâu đi nữa, vẫn không sao tránh khỏi những tác động âm thầm từ tính chất nhân quả.
Trong xã hội hiện nay, không phải con người không biết đến triết lý nhân quả, hay lý nhân quả không còn ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống sinh hoạt của xã hội, nhưng do chúng ta còn quá thờ ơ trong việc ứng dụng, thực hành một cách đúng đắn và hợp lý. Mặt khác, do sự chi phối và tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố vật chất bên ngoài khiến con người ta trở nên lạnh lùng, vô cảm trước những giá trị đạo đức cao đẹp. Phải chăng đó là dấu hiệu cho thấy sự khác biệt về những giá trị truyền thống tốt đẹp của xã hội trước và nay.
Trước đây, con người luôn chú trọng đến việc ứng dụng thực tiễn vào đời sống, từ đó đúc kết thành những bài học có giá trị sâu sắc. Ngược lại, ngày nay chúng ta lại quá đam mê và đặt nặng về học thuyết kinh điển mà quên đi yếu tố quan trọng là thực hành. Tuy nhiên, dù trong mọi xã hội trước hay nay thì con người vẫn không thể vượt ra ngoài quỹ đạo trong tiến trình diễn tiến của lý nhân quả. Bởi tính nhân quả là một quy luật khoa học khách quan, công bằng, cụ thể cũng như mọi quy luật khác trong tự nhiên. Sự khác biệt trong từng xã hội chẳng qua là cách nhận thức trong từng bối cảnh của thời đại nên có sự ảnh hưởng khác nhau trong từng quan niệm sống. Bởi lẽ, ‘tính triết lý sâu sắc của thuyết nhân quả không phải ai ai trong xã hội cũng đều nhận thức được, nhưng xã hội bao giờ cũng có cách ứng dụng thiết thực của xã hội. Trong quảng đại nhân dân, dấu ấn của thuyết nhân quả thể hiện rõ nhất ở những quan niệm về giáo dục đạo đức làm người’[5]
Qua đó, ta thấy triết lý nhân quả của Phật giáo không phải chỉ được nói đến trong những học thuyết lý luận mang tính kinh điển, mà nó đã được phổ cập rộng rãi trong đời sống nhân dân. Lý nhân quả còn mang đậm dấu ấn trong đời sống sinh hoạt, phong tục, tập quán của dân tộc Việt nam ngay từ những ngày đầu dựng nước. Ảnh hưởng ấy không còn đơn thuần là một khái niệm, một định lý tất yếu. Nội dung sâu xa bên trong của giáo lý nhân quả chính là những bài học mang tính giáo dục nhân văn đối với xã hội cũng như mang lại cho nền văn hóa dân tộc một bản sắc thuần túy Việt nam. Đó chính là những bài học giáo dục đạo đức làm người.
Một khi tin hiểu sâu sắc về luật nhân quả, con người sẽ trở nên rộng lượng bao dung, ôn hòa, dễ mến. Bấy giờ con người sẵn sàng động viên chia sẽ cho nhau trong mọi hoàn cảnh sống. Họ hiểu rằng đem đến cho người những điều bất hạnh thì tự thân sẽ đón nhận những nghiệp quả khổ đau. Bằng ngược lại, mang đến cho người những điều an vui hạnh phúc thì tự thân sẽ được nhiều điều lợi lạc.
Giáo lý nhân quả dạy cho ta biết chế ngự mọi bất hạnh, ngăn ngừa ác tâm sanh khởi, xua tan cái nghiệp quả oan oan tương báo, đem lại niềm an lạc cho tự thân, cho tha nhân và xã hội. Trong gia đình cho đến bên ngoài cộng đồng xã hội nếu ai ai cũng tin hiểu sâu sắc về nhân quả ắt con người trong xã hội sẽ trở nên thánh thiện biết chừng nào. Một xã hội mà con người luôn lấy những điều nhân nghĩa, chân thật đối xử với nhau đúng mực trong tinh thần đồng bào, đồng loại. Sống vì hạnh phúc của tha nhân và tập thể chính là nếp sống tối thượng nhất của người học Phật.
Thấy được giá trị của luật nhân quả, là người học Phật, mỗi chúng ta cần áp dụng vào đời sống thường nhật một cách thiết thực và có ý nghĩa nhất. Trong mọi cử chỉ nói năng hay hành động điều phát xuất từ những suy nghĩ thiện. Điều đó cũng có nghĩa là trước khi làm một việc gì chúng ta phải nghĩ đến hậu quả của nó sẽ mang lại cho người khác hạnh phúc hay khổ đau. Nếu hạnh phúc ta nên phát huy, nếu khổ đau ta nên đoạn tận. Hành động phát huy và đoạn tận cũng chính là gạn lọc cho tâm ý luôn được thanh tịnh và trong sáng dưới sự soi sáng của giáo lý nhân quả.
[1] Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Phật Giáo Với Dân Tộc, THPGTPHCM, 1992, Trang 40-41.
[2] Nguyễn Khắc Thuần, Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam, Tập II, NXB Giáo Dục, 2002, trang 251.
[3] Thích Trung Hậu, Ca Dao Tục Ngữ Phật Giáo Việt Nam, NXB TPHCM, 2002, trang 457.
[4] Nguyễn Khắc Thuần, Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam, Tập II, NXB Giáo Dục, 2002, trang 251.
[5] Nguyễn Khắc Thuần, Đại Cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam, Tập II, NXB Giáo Dục, 2002, trang 251.