Lời ngỏ

Chùa Việt Nam, ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên đất nước Phù Tang, tọa lạc tại 243-0307 Kanagawaken, Aikogun, Aikawamachi, Hanbara 4889-1, do cố Hòa thượng Thích Minh Tuyền khai sơn và sáng lập. Chùa nằm dọc theo dòng suối Aikawa, bao quanh là những dãy núi linh thiêng và hùng vĩ.

Năm 1995 trong lần về nước thăm lại cố Hòa thượng Thích Trí Dũng- Viện chủ Chùa Nam Thiên Nhất Trụ, Sài Gòn, Thủ Đức- là vị Thầy Y chỉ của mình,  cố Hoà thượng Minh Tuyền đã gặp thầy Nhuận Ân. Lúc ấy, thầy Nhuận Ân còn là 1 chú Sa Di 16 tuổi. Như một nhân duyên trong Phật Pháp, trong lần đầu gặp gỡ và tiếp xúc, cố HT (Hoà Thượng) nói với thầy Nhuận Ân: “Sau này Thầy có Chùa, con sang Nhật ở với Thầy nhé”. Lời nói ấy, tưởng chừng như đi vào dĩ vãng. Thế mà, qua mười mấy năm, sau khi Cố HT phát nguyện kiến tạo và xây dựng ngôi chùa của người Việt đầu tiên trên đất Nhật, Ngài đã thực hiện lời nói của mình đó là tìm lại thầy Nhuận Ân qua thông tin của Cô Phật tử thư ký của Chùa Nam Thiên Nhất Trụ.  Vì lúc bấy giờ, phương tiện liên lạc ở chùa còn rất hạn chế, mọi thông tin liên lạc qua lại chủ yếu là những lá thư viết tay được gửi bằng bưu điện.


Năm 2012, để chuẩn bị cho Đại Lễ Khánh Thành Chùa giai đoạn 1, cố HT đã viết thư mời bảo lãnh thầy Nhuận Ân sang Nhật Bản trợ giúp. Trong thời gian đó, thầy Nhuận Ân theo học chương trình cao học (Thạc sĩ và Tiến tĩ) tại Thái Lan. Đang lúc hai Thầy trò loay hoay tìm vật gì quý giá và thích hợp để cung thỉnh Xá Lợi vào bên trong, tìm mãi vẫn không thấy đồ thờ tương xứng. Thầy Nhuận Ân thưa: Thái Lan là xứ sở của Tháp thờ Xá Lợi, Cố HT vui mừng khi nghe tin như vậy nhưng không biết làm sao thỉnh và gửi sang Nhật cho kịp Đại Lễ. Thầy Nhuận Ân đã liên lạc nhiều bạn bè nhưng không đủ duyên. Sau cùng đã nhờ đến chúng con; Sư cô Giới Bảo giúp thỉnh cho HT bên Nhật Bản tháp thờ Xá Lợi. Lúc đó, HT đã đích thân dặn dò kích thước và mẫu Tháp với chúng con. May thay, tháp Xá Lợi đã được cung thỉnh sang Nhật kịp lúc Khánh Thành.

Chùa Vàng-Kyoto

Từ đó, mỗi dịp Đại Lễ của Chùa, HT đều viết thư mời chúng con sang phụ giúp. Nhân duyên trùng phùng, Thầy trò nhiều kiếp nay gặp lại. HT rất vui mừng với nhân duyên này, Ngài thường nói cuối cuộc đời Ngài vậy đã mãn nguyện; xây xong Chùa và nay có thêm 2 người con để tiếp nối sau này. Ân tình của Cố HT dành cho chúng con quá lớn. Mỗi lần chúng con sang Nhật, HT đã đi mua từng đôi dép ấm,  sắm từng bộ đồ ấm để sẵn. Khi chúng con ra về, mất gần cả tháng sau HT mới hết nhớ thương. Xúc động biết bao khi chúng con về lại Thái Lan để tiếp tục việc đèn sách, HT thường điện thoại động viên thăm hỏi. Có lần Ngài nói: “Hai con về rồi, một tuần lễ Thầy không dám mở cửa phòng của từng đứa. Vì mỗi khi mở cửa phòng, không còn nhìn thấy chiếc áo dài treo trên móc áo, hành lý các con không còn trong đó, Thầy chịu không nổi”.


Những lần sang Nhật, 3 Thầy trò cùng chia sẻ những việc tu học và được HT trao truyền nhiều kinh nghiệm làm đạo nơi Xứ Phù Tang này. Trong những buổi trò chuyện trong tình Thầy trò, chúng con nhớ mãi lời Thầy tâm sự: “Làm đạo ở Hải Ngoại rất khó, không được thuận duyên như ở quê nhà. Không những khó khăn về mặt tài chánh, mà yếu tố nhân sự, tìm người kế thừa lại càng khó hơn. Xây dựng được một ngôi Chùa nơi đất khách quê người như thế này Thầy đã trãi qua biết bao nhiêu là khó khăn và thử thách. Thế nhưng để duy trì và phát triển Ngôi Chùa trong tương lai là điều Thầy luôn trăn trở. Do vậy, một khi Thầy chọn người tiếp nối, những vị ấy phải phải là người bằng hoặc hơn Thầy trên phương diện Tài, Đức, và Trí . Có như vậy, Thầy mới an tâm và tin tưởng trao truyền Phật sự trọng đại này. Nay tìm thấy được hai con xem như Thầy đã tròn trách nhiệm với Tam Bảo. Nhuận Ân thì lèo lái ngôi chùa, Giới Bảo là người đảm nhiệm việc hướng dẫn và giảng dạy cho hàng Phật tử đi đúng con đường Phật đạo.”

Sân Bay ở Alaska-Mỹ Quốc

Như một sự chia tay, một sự chuẩn bị cho một hành trình trước lúc đi xa về với Phật, năm 2016, trong chuyến Phật sự của 3 Thầy trò tại Mỹ, đi đến đâu HT cũng giới thiệu chúng con, những người tiếp nối sự nghiệp Hoằng truyền Phật Pháp của Chùa Việt Nam tại Nhật, đến chư Tôn Đức Trưởng Lão. Xúc động nhất là là hình ảnh 3 Thầy trò đón xe Bus, gọi Taxi, nhờ các Phật tử thân quen đưa đến thăm từng ngôi chùa, nơi mà quý Hòa thượng, quý Ni trưởng đã từng giúp đỡ vận động gây quỹ xây dựng Chùa Việt Nam. Có những ngôi chùa xa xôi hàng ngàn cây số, bất kể cái nóng oai bức của những ngày hè tháng 6 của vùng tiểu bang California, không ngại đường xa xôi hẻo lánh, HT vẫn đến thăm, vấn an sức khỏe và cúng dường đến từng vị Tăng Ni trong chùa. Trong lúc dùng cơm, uống trà với quý Hòa thượng, quý Ni trưởng trụ trì, HT đều nói rằng: “Đây là lần cuối cùng tôi đến Mỹ, do vậy chỉ muốn tranh thủ đến thăm quý Ngài để cùng dùng một bữa cơm chay, uống một tách trà đạo trong thâm tình Linh sơn Pháp lữ.”. Và những ngày cuối trước lúc trở về lại Nhật Bản, HT đã đưa chúng con đến thăm 1 gia đình Phật tử thân của Thầy. Gia đình Phật tử này có anh chồng rất chuyên môn về chỉnh sửa hình ảnh và video, do vậy HT đã nhờ anh ấy sửa lại tấm hình chân dung của mình. Lúc ấy,  HT còn căn dặn chúng con nhớ giữ  tấm hình này sau này thờ Thầy.


Những việc làm và những lời nói của HT trong chuyến đi lần này bản thân chúng con cứ ngỡ rằng Thầy nói cho vui. Thế nhưng, đó lại là những lời gởi gắm và căn dặn cuối cùng của Thầy trước lúc đi xa. Tháng 8 năm 2017, Hòa thượng đã viên tịch.


Thể theo tâm nguyện và di ngôn của cố Hòa thượng khi còn sanh tiền, trong những ngày diễn ra Tang lễ, chư Tôn Đức lãnh đạo của Phật Giáo Việt Nam các nơi trên thế giới đã sang Nhật Bản chứng minh lễ Tang và công cử chúng con chính thức điều hành Phật sự nơi đây.
Sau 5 năm hoạt động, dưới sự quản lý và điều hành của thầy Trụ trì Thích Nhuận Ân và Sư cô Phó trụ trì Thích Nữ  Giới Bảo, Chùa Việt Nam đã trở thành ngôi nhà tinh thần chung cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Nơi đây còn là chỗ dựa tâm linh cho cộng đồng Phật tử, là nhịp cầu kết nối tình thâm giữa những người con Việt Nam xa xứ. Không những thế, Chùa Việt Nam còn là biểu tượng thiêng liêng của văn hóa truyền thống Phật giáo Việt nam nơi xứ sở của đất nước hoa Anh Đào. Thật xứng danh với tên gọi Hồn Việt Trên Xứ Phù Tang.

Về chúng tôi

Chùa Việt Nam tại Nhật Bản do Cố Hòa Thượng Thích Minh Tuyền khai sơn và sáng lập. Chùa được xây dựng năm 2010. Năm 2018, sau khi HT viên tịch, Đại Đức Thích Nhuận Ân và Sư Cô Thích Nữ Giới Bảo tiếp tục quản lý và điều hành.

Địa chỉ

Kanagawaken, Aikogun, Aikawamachi, Hanbara, 48891 243-0307
Số điện thoại: +818046332599
Email: [email protected]

CONNECT