Chúng ta thường nghĩ rằng chỉ có loài người mới biết nói. Nhưng trên thực tế, các loài động vật đều có ngôn ngữ riêng của nó. Không chỉ biết nói mà chúng cùng cảm xúc với chúng ta. Nó biết yêu thương đồng loại và biết bảo vệ người thân thương. Hơn nữa, chúng cũng có những mong cầu thiết thực về cuộc sống bình yên bên gia đình, biết tham cầu sự sống và sợ hãi trước cái chết… Điển hình như tâm trạng sợ hãi của những chú Cá Trê đang nằm thoi thóp trong một chiếc rỗ lớn. Chúng đã biểu hiện thành hành động mà bản thân Giới Bảo chứng kiến, trông thật cảm động và ngạc nhiên; “Please save my Mother: Hãy cứu Mẹ của con!”: một chú cá đang gọi cầu cứu với tia hy vọng sẽ được giúp đỡ. Âm thanh của cậu ta đang vang vọng đâu đây mà Giới Bảo quan sát thật lâu mới cảm được.
Có bao giờ các bạn suy ngẫm về những loài động vật giao tiếp bằng ngôn ngữ gì khi chúng gặp nhau chưa? Nhà sinh vật học Andrea Turkalo nghiên cưú về ngôn ngữ và phân tích từng loại âm thanh của các loài động vật. Ông đã phát hiện ra rằng ngôn từ của những chú Voi có rất nhiều nguyên âm. Trong khi đó, cá Heo sử dụng đến hai ngôn ngữ. Và không chỉ Mẹ chúng ta có thể nói chuyện với các bé trong bụng mình mà các Mẹ Gà cũng luôn thủ thỉ với con từ khi còn trong trứng. Trước một ngày chuẩn bị nở, gà con đã giao tiếp với mẹ. Đáng chú ý là một số chủng loại cá sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với nhau. Ngoài ra, chúng còn dùng ngôn ngữ cơ thể và sắc mặt biểu lộ tâm ý của mình. Và còn rất nhiều loài động vật khác đều có ngôn ngữ riêng của chúng.
Điều này chứng minh: hầu hết mọi loài, không những nhân loại của chúng ta biết nói mà các loài động vật khác cũng biết nói. Chỉ khác ở điểm là chúng ta chưa học được ngôn từ của nhau nên không thể giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nhưng không thể vì thế mà có thể ngăn cách giữa loài người và những loài khác không thể tiếp cận và hiểu nhau. Qua sự biểu cảm ngôn ngữ cơ thể, nét mặt và âm thanh của mỗi loài, phần nào đó chúng ta có thể cảm nhận và thấu hiểu chúng. Ngay cả, chúng ta dùng trái tim của mình để nhìn và lắng nghe.
Đến đây, khiến Giới Bảo gợi nhớ hình ảnh của chú cá trê đã dùng cả thân thể của mình để truyền thông điệp cầu cứu. Thời còn là học viên của trường Đại học Phật Giáo ở Myanmar cũng như Thái Lan, vì là sinh viên nên đôi lúc bản thân vẫn phải tự túc trong sinh hoạt cá nhân nên cuối tuần thường hay đi chợ. Theo như thói quen của mình, hễ ra chợ là phải đến hàng tôm cá, các loài động vật còn tươi sống và còn cựu quậy được. Sau đó, trích ra hơn nữa số tiền đi chợ để mua và tìm nơi phóng sanh. Có nhiều ngày mưa gió không đi chợ được. Đợi đến khi trời quang mây tạnh liền đi thẳng đến hàng cá lươn mua hết số lươn đang trườn bò với những vết thương còn rướm máu trên thân. Đôi lúc chi tiêu cho bản thân rất tiếc nhưng nghĩ đến dùng số tiền dành dụm được, đến chợ thăm và mua được các bạn của mình để phóng sanh thì trong lòng phấn khởi hẳn lên.
Cũng như thường lệ, Giới Bảo đã vừa ghé tiệm Rùa thăm và mang được mấy chục bạn ra về trong lòng vui mừng khôn tả. Đi ngang qua hàng Cá Trê, thấy có bạn thì bị đập đầu chảy máu, bạn thì thở nặng nề.. trong lòng khởi lên tình thương sâu thẳm. Định đi sang hàng rau củ nhưng bên trong rỗ Cá Trê có một chú Cá nhảy lên thật cao, bản thân cứ nghĩ đó là phản ứng tự nhiên của loài cá. Nhưng trong lòng vẫn cứ không yên, để kiểm lại mình có đoán đúng là bạn ấy đang cầu cứu hay không? Khi vừa lướt qua thì bạn đó cũng tiếp tục búng lên thật mạnh. Tìm hiểu thêm cho chính xác, bản thân đứng nhìn những người dạo ngang qua hàng cá, bạn của mình phản ứng ra sao? Các Chị và các Mẹ đi qua đi lại rất đông nhưng bạn đã không ra tín hiệu gì cả. Bấy giờ, trong tâm đã cảm được sự cầu cứu của cậu ta nhưng vẫn muốn tìm hiểu thêm về ngôn ngữ của loài cá, người viết tiến gần đến bạn ấy xem thế nào? Một lần nữa, chú cá đã búng rất mạnh và cao. Cô bán hàng chia sẽ; đây là Cá nuôi một cặp: Mẹ và con, cùng với những bạn đồng loại cũng đang chờ được giải cứu. Đưa mắt quan sát một vòng, thấy Cá Mẹ đang thoi thóp từng hơi thở bên cạnh chú Cá con. Vậy là mình hiểu bạn đang muốn nói gì? “Please save my Mother: Hãy cứu Mẹ của con!”. Bản thân quyết định tuần này cố gắng nhín một chút, sau đó dùng hết số tiền chợ còn lại giúp các bạn nhỏ của mình đang cảnh khó khăn này. Hôm ấy, tìm đến mé sông và thả các bạn. Chúng đã bơi lội tự do và được sống lại một lần nữa. Để bày tỏ sự vui mừng và gửi lời tri ân, các bạn đã đua nhau nhảy múa trên mặt nước thật lâu. Ngay cả tự thân của ngôn ngữ, nó cũng còn giới hạn về chức năng truyền tải thế giới nội tâm của một người hay loài vật nào đó. Đôi khi chúng ta phải dùng đến cái tâm để chiêu cảm và thấu hiểu nhau. Do vậy, trong Luận Ðại Thừa Khởi Tín có câu: “Ðứng về phương diện chân lý, tất cả các pháp từ xưa đến nay, xa lìa nơi lời nói, nơi chữ nghĩa, nơi tưởng tượng, tất cả đều tuyệt đối bình đẳng, không có thay đổi, không có hư hoại, cùng chung một bản thể sáng suốt của tâm, nên gọi là chân như”. Nghĩa là về khía cạnh bình đẳng tính; tánh thương yêu và hiểu biết của mọi loài đều giống nhau, nó sẽ không bị rào cản bởi ngôn ngữ và hình hài mà thay đổi tánh giác ngộ bên trong của mỗi loài.
Sinh mạng của một con vật cũng quý như bất kỳ sinh mạng của một con người. Trong giáo lý nhà Phật, luôn nhắn nhủ rằng ‘Tất cả chúng sanh đều có tính giác ngộ, tính hiểu biết và có khả năng thành Phật như nhau, tất cả mọi loài đều bình đẳng, không có loài nào cao hơn loài nào. Đến một kiếp nào đó, những chú cá, chú gà, chú vịt, chú voi….tỉnh thức và quay về với bản tánh thiện lành, trong sáng, trả hết nghiệp cũ, trãi qua nhiều kiếp siêng năng tu luyện và chứng đắc quả vị tối cao’. Từ đó, chúng ta nên hiểu sự sống của các loài động vật cần nên quan tâm và phóng thích chúng. Hãy trả chúng về cuộc sống tự do mà nó được quyền như vậy. Vì trong mọi loài đều có đặc tính của hiểu biết và tình thương để làm nền tảng của sự giác ngộ sau này.
Chúng ta tôn trọng sự bình an của người khác, thì mọi người cũng sẽ tôn trọng sự bình an của mình. Tâm trạng buồn nhớ mẹ của một chú chim Oanh Vũ lạc đàn chẳng khác gì sự đau buồn của một người mẹ bị chia lìa với đứa con thơ bởi một nguyên nhân nào đó. Mỗi loài đều có một tổ ấm riêng, một gia đình để yêu thương. Nhưng khi chúng ta săn bắt chim Mẹ, chim con sẽ thiếu đi sự săn sóc và bảo vệ từ Mẹ. Tục ngữ có câu: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” không hề sai, vì chúng có tình đoàn kết, thương yêu nhau và biết quan tâm lẫn nhau. Đó là tính tự nhiên của muôn loài. Nên chúng ta hãy luôn tôn trọng quyền tự do, quyền được yêu thương và sự bình an của nhau. Để tiếng gọi kêu cứu của chú Cá Trê sẽ giảm lại và chúng ta không còn nhìn thấy cảnh đó xaỹ ra trong cuộc sống hằng ngày nữa.
Trên bình diện lòng Từ Bi và Nhân Quả nhiều đời, chúng ta hãy thương yêu mọi loài và quán thấy tất cả muôn loài đều là người thân quyến thuộc của mình. Kinh Phạm Võng dạy rằng “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sinh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sinh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình”. Trong vòng luân hồi sanh tử, mình đã trôi lăn biết bao nhiêu kiếp. Ở mỗi kiếp, mình đều có gia đình, cha mẹ và bà con quyến thuộc của nhau. Có thể chú Cá Trê hôm nay, là người thân của mình kiếp trước. Bạn Cua, Tôm mình đang thấy là anh em ruột thịt của mình ở nhiều đời…. do nghiệp thức tạo nên mỗi người mỗi khác. Nên đến lúc chết, nghiệp thức dẫn đến cõi nào thì mình phải thay dạng đổi hình sai biệt. Do vậy, ở kiếp này dù là cha mẹ, anh em, bà con quyến thuộc của chúng ta trong kiếp quá khứ cũng không thể nhìn ra nhau. Như lời Kinh trên dạy, hễ thấy tất cả thân nam thì quán thấy đó là cha là anh trai của mình và các loài ở thân nữ là mẹ là em gái, chị gái của mình. Để chúng ta vừa khởi lên tình thương và vừa tôn trọng sự sống của nhau. Không có loài nào sát hại loài nào.
Từ lúc Giới Bảo nhìn thấy hình ảnh chú Cá Trê nhảy lên cao ba lần để cầu cứu cho Mẹ, trong lòng lại thêm niềm tin vững chải nơi việc phóng sanh mình đang làm rất lợi ích cho nhiều bạn tôm, cua… Vậy là mỗi cuối tuần, bản thân đều ra chợ mua và phóng thích các bạn. Mong các bạn được tự do và sống an vui thêm một lần nữa. Mai này có gặp nhau, chúng ta hẹn được trùng phùng trong cảnh bình yên dưới mái che của ngôi nhà Giác ngộ nhé.
Thích Nữ Giới Bảo