I. Thân Thế
Hòa Thượng THÍCH MINH TUYỀN thế danh LÊ MINH TUYỀN sanh ngày 08 tháng 09 năm 1938 (Mậu Dần), tại thôn Bình Hội, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ngài sanh trưởng trong một gia đình thâm tín Tam Bảo, là con thứ mười trong gia đình mười anh chị em (bốn trai sáu gái). Thân phụ là cụ ông Lê Thuật, thân mẫu là cụ bà Lê Thị Miều.
II. Xuất Gia
Từ thuở nhỏ Hòa thượng đã sớm bộc lộ niềm tin và ý nguyện xuất thế. Năm Ất Dậu (1945) khi vừa tròn 7 tuổi, duyên lành hội đủ, cộng với túc duyên nhiều đời thôi thúc, được sự cho phép của song thân, Ngài đã đến chùa Bửu Tích thuộc thôn Bình Liêm, xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận xin thế phát xuất gia với Hòa Thượng thượng Viên hạ Trí. Ngài được Hòa thượng bổn sư mến thương đặt pháp danh là Nguyên Pháp, tự Minh Tuyền.
III. Hành Đạo
- Năm 1955 (16 tuổi) vào học tại trường Bồ Đề Sài Gòn
- Năm 1960 tốt nghiệp trường Trung cấp Phật học, sau đó y chỉ với cố đại lão Hòa thượng Thích Trí Dũng chùa Phổ Quang, Sài Gòn.
- Năm 1960 tham gia Nha tuyên úy Phật giáo
- Năm 1962 trụ trì chùa Bửu Tạng, Sài Gòn (nay là Hàng Xanh, Bình Thạnh, Hồ Chí Minh)
- Năm 1971 nhân có Phái đoàn Phật giáo Việt nam qua thăm Nhật bản, ngài đã tháp tùng cùng Hòa thượng Y chỉ sự trong phái đoàn cùng sang Nhật. Sau đó, ngài xin ở lại để du học.
- Trong suốt thời gian mấy mươi năm ở lại Nhật, Ngài thường đứng ra tổ chức và giúp đỡ rất nhiều gia đình người Việt nam tỵ nạn tại Nhật cả vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, trước nhu cầu thiết tha của Phật tử Việt nam tha hương, trong thời gian tu học tại Chùa Quảng Đức (Sinjiku Nhật bản), Ngài thường tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt Phật giáo trong các ngày đại lễ của Phật giáo cũng như các dịp lễ hội truyền thống của dân tộc Việt nam. Với biết bao khó khăn và hạn chế về pháp lý, kinh tế, thời gian … nhưng trong Ngài luôn nuôi dưỡng chí nguyện to lớn là xây dựng một ngôi chùa Phật Giáo Việt nam cho cộng động Phật tử Việt nam tại Nhật. Sau bao tháng năm khó nhọc tìm kiếm, chí nguyện xây chùa đã dần trở thành hiện thực.
- Tháng 6/2006 Ngài đã quyết định chọn và mua lại mảnh đất của một gia đình người Nhật ở tỉnh kanagawa.
- Tháng 8/2006 Ngài chính thức về và kiến tạo nơi đây trở thành nơi sinh hoạt cho cộng đồng các Phật tử Việt nam.
- 10/2007 nhân có phái đoàn của Chư Tôn Đức Tăng Ni và Phật tử từ các nước u châu do HT Thích Như Điển hướng dẫn sang Nhật cứu trợ giúp đỡ các nạn nhân trong thảm họa động đất, Ngài đã kiền thỉnh chư Tôn Đức về thăm và làm lễ động thổ khởi công xây dựng chùa Việt Nam. Từ đây, một chặng đường với biết bao công sức khổ nhọc, Ngài đã lặn lội khắp nơi từ Đông sang Tây, từ u sang Á, vận động kêu gọi kiều bào Phật tử các nơi giúp đỡ cho công cuộc xây dựng chùa sớm hoàn thành.
- Tháng 11/2012 Ngài đã tổ Lễ Khánh Thành Chùa Việt Nam giai đoạn 1, tạo tiền đề cho công việc xây dựng những công trình còn lại.
IV. Viên Tịch
Thân tuy già, tuổi tuy lớn, nhưng chí nguyện luôn dõng mãnh. Ngài vẫn miệt mãi chịu khó chịu khổ với chí nguyện xây dựng ngôi chùa Phật Giáo Việt Nam đầu tiên trên đất nước phù tang, là ngôi nhà tâm linh, chốn nương tựa tinh thần cho đồng bào Phật tử Việt nam tại Nhật bản. Thế nhưng, khi ngôi chánh điện đã hoàn thành, những công trình còn lại cũng sắp đến ngày hoàn thiện, Ngài đã thuận thế vô thường viên tịch vào lúc 3giờ 35 phút sáng ngày 22 tháng 08 năm 2017 (nhằm ngày 01 tháng 07 năm Đinh Dậu), trụ thế 80 năm, 60 hạ lạp.
Ngôi chùa Phật giáo Việt nam còn đó, hàng đồ chúng còn đây, nhưng đã vắng đi bóng dáng Ngài. Sự ra đi của Hòa thượng để lại biết bao nỗi niềm kính tiếc cho Phật giáo Việt nam tại Nhật bản, cho cộng động Phật tử Việt nam trong và ngoài nước, và nhất là cho đồ chúng Tăng Ni và Phật tử chùa Việt Nam.
Nam mô Lâm Tế Tông, Tứ thập tứ thế, Việt Nam tự trú trì, húy thượng Nguyên hạ Pháp, tự Minh Tuyền giác linh Hòa thượng chứng minh.