Lời khai thị của Hòa Thượng Tuyên Hóa

Hòa thượng Tuyên Hóa khai thị:
"Không tranh, không tham, không mong cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nói dối". Những điều này là căn bản làm người, là nền tảng tu hành, và là tiêu chuẩn của chánh quyền. Sáu Ðại Tông Chỉ này là sáu con đường sáng. Nếu nhớ được sáu đại tông chỉ này, quý vị có thể thành Phật. Tôi đưa ra sáu đại tông chỉ này cho những người muốn thành Phật, thành Bồ Tát, muốn thành Thanh Văn, A La Hán. Ðây là những tông chỉ quan trọng nhất. Nếu thực hành được, quý vị có thể dùng suốt đời, mà vẫn không tận dụng hết được!"

1. Không tranh. Tuyệt đối không tranh với bất cứ ai. Cũng không tranh danh, tranh lợi. Phàm đồ vật gì mà người khác thích thì mình nhường cho họ, chứ không cần phải tranh giành, gọi là: "Tranh chi bất túc, nhượng chi hữu dư," nghĩa là tranh thì không đủ, nhường thì có dư.

2. Không tham. Không phải là miệng nói không tham, nhưng khi cảnh đến thì chỉ lo tham, chẳng thể bỏ qua, thế là sai rồi. Chúng ta cần phải là: Lời nói theo đúng việc làm, và làm đúng theo lời nói, đừng để chúng mâu thuẫn với nhau. Người không có lòng tham mới bồi dưỡng được nhân cách cao thượng.

3. Không cầu. Nếu chúng ta có cầu muốn điều gì, tức là chúng ta sẽ có phiền não. Cầu mà không được, đương nhiên là chúng ta sẽ phiền não. Cho nên nói: "Vô cầu tiện vô ưu," không cầu sẽ không lo - thật là một danh ngôn chí lý. Một khi chúng ta đạt đến trình độ vô cầu, phẩm cách của chúng ta tự nhiên sẽ cao quý. Nhân đáo vô cầu phẩm tự cao, tức là vậy. Trong Bát khổ có "cầu bất đắc khổ," như cầu không được cũng khổ, mà cầu được cũng khổ luôn. Vì lo được lo mất mà tự tìm cái khổ cho mình. Vậy bởi tội gì mình phải khổ như thế. Nếu như quý vị thấy rõ ra mà buông hết tất cả thì quý vị sẽ không còn phiền não nữa.

4. Không tự tư, ích kỷ. Ai ai cũng có lòng ích kỷ. Chuyện gì chúng ta cũng tính toán cho mình trước, lo nghĩ cho con cháu của mình trước hết. Cho nên người tu hành là phải tu đến cảnh giới vô ngã. Vô ngã rồi thì chúng ta còn muốn tranh cái gì, tham cái gì, cầu cái gì nữa đây? Chúng ta phủ nhận hết, và cái gì cũng không muốn. Chúng ta phải học theo tinh thần của Bồ Tát là xả mình vì người. Tại sao thế giới nầy lại ngột ngạt đầy chướng khí, và không lúc nào trong sạch, xán lạn vậy? Bởi vì ai nấy đều tự tư, tự lợi, như nói: "Cái nầy là của tôi, cái kia thuộc về tôi," nên khiến cho thiên hạ đại loạn, thế giới chẳng được an ổn.

5. Không tự lợi. Nếu mọi người đều không có tính tự lợi, lúc nào cũng biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng cảm thấy an ổn, vậy tự nhiên ai nấy cũng sẽ chung sống hòa bình với nhau. Nếu như người có tâm tham thì giống như cá theo mồi, thấy lợi là quên mất hết tình nghĩa, rồi làm những chuyện tổn hại đạo lý. Có bao nhiêu người đã vì lợi mà thân bại danh liệt, tán gia bại sản. Thậm chí có kẻ còn làm cho nước mất nhà tan, đến nỗi phải lưu lạc, không nơi nương náu.

6. Không vọng ngữ. Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta tuyệt đối cũng không nên vọng ngữ. Hễ thấy thì nói thấy, nghe thì nói nghe, chúng ta cứ thật thà mà nói, chớ nói những chuyện không có căn cứ. Chúng ta nên biết, vọng ngữ là nói những lời bịa đặt, làm tổn hại người mà chẳng có lợi ích gì cho mình, và sau khi chết nhất định bị đọa vào địa ngục cắt lưỡi. Điều đó không có chút nghi ngờ gì cả. Cho nên chúng ta phải hết sức cẩn thận.

Về chúng tôi

Chùa Việt Nam tại Nhật Bản do Cố Hòa Thượng Thích Minh Tuyền khai sơn và sáng lập. Chùa được xây dựng năm 2010. Năm 2018, sau khi HT viên tịch, Đại Đức Thích Nhuận Ân và Sư Cô Thích Nữ Giới Bảo tiếp tục quản lý và điều hành.

Địa chỉ

Kanagawaken, Aikogun, Aikawamachi, Hanbara, 48891 243-0307
Số điện thoại: +818046332599
Email: [email protected]

CONNECT